Tây Ninh: “Không phải thấy người ta có sân bay thì tỉnh mình đăng ký”

Bộ Giao thông vận tải vừa giao Cục Hàng không thành lập đoàn công tác làm việc với 10 địa phương có kiến nghị đưa sân bay của địa phương vào quy hoạch cảng hàng không, sân bay toàn quốc.

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu đoàn công tác của Cục Hàng không làm việc với 10 địa phương có đề xuất bổ sung sân bay mới vào quy hoạch và phải báo cáo kết quả, đề xuất giải pháp về bộ trước ngày 15.11.

Đồng thời, yêu cầu trong quá trình làm việc với các địa phương, Cục Hàng không Việt Nam phải đánh giá khả năng hình thành sân bay mới theo tiêu chí đã xây dựng tại hồ sơ quy hoạch sân bay toàn quốc; đánh giá khả năng khai thác dân dụng theo mô hình sân bay chuyên dùng.

10 địa phương đề xuất bổ sung quy hoạch sân bay mới tại địa phương mình, gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắk Nông, Yên Bái, Hà Tĩnh, Khánh Hòa và Tây Ninh.

Mạng lưới sân bay Việt Nam đến năm 2050, trong đó có Tây Ninh

Vào giữa tháng 9.2022 tại cuộc họp với 15 tỉnh, thành phố có nhu cầu mở rộng, xây sân bay mới, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ GTVT rà soát lại một lần nữa để kịp thời điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống sân bay cả nước giai đoạn 2030, tầm nhìn tới năm 2050, đảm bảo quy mô phù hợp.

Trước đó, Bộ GTVT đã trình Chính phủ dự thảo Quy hoạch phát triển hệ thống sân bay cả nước giai đoạn 2030, tầm nhìn tới năm 2050. Quy hoạch được xây dựng trên cơ sở đánh giá nhiều yếu tố, từ kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, tới điều kiện tự nhiên vị trí địa lý, nhu cầu đi lại của người dân…

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề xuất từ nay tới năm 2030, cả nước chỉ có 28 sân bay, tức thêm 5 sân bay mới (không kể sân bay Long Thành đang xây dựng); tới năm 2050 cả nước có 31 sân bay (thêm 3 sân bay mới).

Tây Ninh đề xuất bổ sung quy hoạch sân bay Tây Ninh

Chiều 4.11, Bộ GTVT tổ chức toạ đàm “Huy động nguồn lực xã hội đầu tư cảng hàng không”. Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, địa phương vừa đề xuất bổ sung quy hoạch sân bay Tây Ninh, cho biết đề xuất của Tây Ninh và một số tỉnh không phải vì “thấy mọi người có sân bay thì mình đăng ký đâu”. “Chúng ta phải có tư duy quốc gia chứ không phải tư duy cục bộ địa phương. Không phải địa phương khác có cái gì mình phải có cái nấy”, ông Ngọc nói.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc – Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh phát biểu lại tọa đàm ngày 4/11

Theo quy luật phát triển, tiện ích cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường thuỷ, hàng không phải phát triển theo để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, với quy hoạch quốc gia, chúng ta nên nghiên cứu theo góc độ quy hoạch mở.

Ông Ngọc cho rằng, nếu đầu tư từ nguồn xã hội hóa thì nên xem sân bay như một dự án đầu tư đơn thuần. “Tây Ninh hội đủ yếu tố cần và đủ. Dư địa phát triển của Tây Ninh về du lịch rất lớn. Việc hình thành sân bay Tây Ninh không chỉ chia sẻ áp lực vận chuyển hàng không với sân bay Tân Sơn Nhất mà còn giúp Tây Ninh kết nối với các điểm du lịch trong và ngoài nước. Góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng và đối ngoại quốc gia”, ông Ngọc nói và cho biết, riêng khu du lịch Núi Bà Đen cuối năm nay đã đón 5 triệu khách, hiện tại là 4,2 triệu. Nếu làm bài bản thành khu du lịch quốc tế vào năm 2030, con số này có thể lên tới 7 – 9 triệu.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, hiện nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp nhà nước và ngân sách nhà nước T.Ư cho lĩnh vực giao thông, cho phát triển kết cấu hạ tầng hàng không có hạn. Chính phủ chỉ tập trung vào công trình quan trọng như đường cất hạ cánh.

“Để phát triển cảng hàng không mới, cảng hàng không hiện nay, cần xã hội hoá, huy động nguồn lực đầu tư. Chúng tôi sẽ tiếp tục tổng hợp lại những vướng mắc mà địa phương nêu ra, rà soát, tham mưu lại cho Chính phủ để ban hành những chính sách, cơ chế, hành lang pháp lý tạo điều kiện cho đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không”, Thứ trưởng Tuấn nói.

Nguồn: Tổng hợp

Vinh Danh Nhân Viên